Tượng thần zeus – 7 kỳ quan thế giới cổ đại
Tượng thần Zeus (thường gọi là thần Dớt) là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Bức tượng do nhà điêu khắc cổ đại nổi tiếng là Phidias tiến hành (thế kỷ thứ 5TCN) khoảng năm 435 TCN tại Olympia, Hy Lạp. Tượng thần Zeus trong đền thờ ở Olympia. Tượng cao 12m, làm toàn bằng vàng và ngà voi, đế tượng làm bằng ngà voi.
Các cuộc thi đấu thể thao Babylon được tổ chức để tôn kính vị thần nào?
Cứ 4 năm một lần những người Hy Lạp cổ đại lại trở thành những người chứng kiến và tham gia vào các sự kiện đặc biệt. Vào thời gian này thành phố Aphinơ (Athens) có thể tiến hành một cuộc giao tranh thực sự với thành phố Spacta, còn thành phố Lonia thì giao tranh với thành phố Phivơ; nơi thì lính chiến đánh nhau; một số thành phố khác thì bị xâm chiếm, thậm chí bị cướp phá. Những tất cả những chuyện ấy chẳng có quan hệ gì đối với những người trẻ – ở Aphinơ, ở Spacta và các nơi khác – họ từ khắp nơi trên đất nước Hy Lạp; bất chấp những người lính đang giao tranh và những thành phố đang bị bao vây, họ vẫn hăm hở đến Olympia – nơi thờ phụng thần Zeus, cách Aphinơ 260 km về phía Tây Bắc. Cứ 4 năm một lần tại đây, người ta lại tổ chức lễ hội lớn và suốt thời gian diễn ra lễ hội, ở các vùng ven khu rừng thiêng mọi cuộc chiến đều chấm dứt, hòa bình trở lại. Mọi người tham gia lễ hội đều có thể đi tiếp đến Olympia hoặc trở về mà không bị trở ngại gì, không phải lo sợ cho tính mạng của mình, trong khi đó ở các vùng xa hơn chiến tranh vẫn có thể tiếp diễn.
Đối với thần Zeus, vị thần Hy Lạp tối cao, là như vậy đó, người ta chẳng quản gì, bởi các lễ hội được tổ chức là để tỏ lòng kính trọng thần.
Theo thần thoại Hy Lạp, cha của thần Zeus là Cronus sống trên đỉnh một trong những ngọn núi ở Olympia. Lần nọ có nhà tiên tri báo trước với ông rằng ông sẽ bị con trai của chính mình lật đổ. Bởi vậy, con của ông sinh ra đứa nào cũng bị ông nuốt sống hết. Đến lượt đứa con thứ 6 ra đời, vợ Cronus là Rhea bèn nghĩ ra một kế: thay vì bọc tã cho đứa con mới sinh, bà đã bọc tã cho một hòn đá và đưa đến cho chồng. Cronus trong cơn giận dữ mù quáng đã nuốt luôn bọc đá ấy. Zeus được giấu biệt và lớn lên ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Khi đã trưởng thành, chàng quyết định trả thù cha về những tội ác của ông. Chàng cho cha uống thuốc nôn, nhờ vậy Cronus đã phải ọe ra năm người con trai và con gái hạ sinh trước Zeus, tất cả đều sống nguyên. Sau đó, bắt đầu cuộc đấu tay đôi quyết liệt giữa cha và con. Zeus thắng và hất cha xuống địa ngục. Rồi Zeus trở thành chủ nhân độc quyền vùng núi Olympia, cha của các vị thần và thần thời tiết gọi sấm làm mưa. Để chào mừng thắng lợi của mình, Zeus đã sáng lập ra các cuộc thi đấu thể thao Olympic.
Những cuộc thi đấu thể thao Olympic đầu tiên được tổ chức ở đâu?
Bắt đầu từ năm 776 trước CN, cứ 4 năm một lần, ở vùng đất thành Olympic người ta lại tổ chức những lễ hội, trong thời gian này các nghi thức lễ hội được thay thế bằng cuộc thi đấu thể thao quyết liệt. Những cuộc thi đấu mang tính chất tôn thờ được gọi là Đại hội Olympic.
Đại hội Olympic đầu tiên mang ý nghĩa địa phương. Tham dự đại hội là những người trẻ ở các vùng lân cận, họ đến đồi Cronus, vào rừng thiêng để đọ sức trong các cuộc thi đấu thể thao. Trong số tất cả công trình ở đây đầu tiên chỉ có một kho báu vật, một nhà để ngọn lửa Olympic, đền thờ thần Zeus và phu nhân của ngài là Hera, và một bàn thờ không lớn.
Ba trăm năm trôi qua, Olympia đã nhìn thấy khác hẳn. Các cuộc thi đấu từ chỗ mang tính chất khu vực đã biến thành những cuộc thi đấu lớn của cả nước Hy Lạp, với sự tham gia của các lực sĩ mạnh nhất và hàng nghìn khán giả từ khắp đất nước Hy Lạp đến. Do thiếu nhà nên họ phải dựng lều để ở. Các chủ tiệm tha hồ buôn bán làm ăn, các nhà thơ ngâm những tác phẩm của mình trước công chúng đông đảo và nghiêm khắc. Còn nơi rừng thiêng thì sau thời gian ấy đã mọc lên cả một quần thể kiến trúc gồm những tượng, đền thờ và bàn thờ lớn và nhỏ – núi Olympia đã trở thành thánh đường thờ phụng thần Zeus.
Đền thần Zeus ở Olympia đã được xây dựng bằng nguồn tiền của nào?
Khoảng 470 năm trước CN, ở Hy Lạp người ta đưa ra lời hiệu triệu hướng tới tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo. Đó là lời hiệu triệu quyên góp tiền của để xây dựng ở Olympia một đền thờ thần mà vẻ đẹp và sự hùng vĩ phải vượt lên tất cả các đền thờ ở Hy Lạp. Và, người ta đã thu được các thứ quyên góp như tiền, các vật phẩm nghệ thuật, vũ khí và đồ trang sức, nghĩa là tất cả những thứ gì có thể dùng để xây dựng một đền thờ thần Zeus đẹp chưa từng thấy.
Muộn nhất là vào năm 456 trước CN, công trình xây dựng được hoàn thành và khai thiêng một cách trọng thể. Ngôi đền được xây dựng trên một ngọn đồi nhân tạo cao một mét. Diện tích móng đền còn giữ được nguyên vẹn đến ngày nay là 64x27m. Trên móng này người ta đã dựng lên 34 cột xây bằng vỏ sò, ốc, hến, mỗi cột cao 10,53 m. Mái đền toàn bằng những tấm đá cẩm thạch. Bộ phận chính của đền là gian thờ, nơi đặt tượng thần Zeus do nhà điêu khắc Phidias thực hiện riêng cho đền này. Tượng thần Zeus được coi là kỳ quan thế giới thứ 3. Trong số các kỳ quan đó là đây là công trình duy nhất không ở ngoài trời, mà lại là ở trong nhà có mái. Phidias là người Aphinơ và là nhà điêu khắc cổ đại lớn nhất. Theo sự ủy nhiệm của người bạn là Pericơn, ông đã chỉ đạo việc xây dựng và các công tác điêu khắc tại Acrôpôn. Năm 438 trước CN, ông đã tạc tượng nữ thần chiến tranh và chiến thắng Aphinơ Palađa (theo thần thoại Hy Lạp), một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thời ấy.
Sau khi nhận làm tượng thần Zeus, Phidias cho xây một xưởng điêu khắc ở cách đền thờ 80m. Xưởng này có kích thước bằng đúng kích thước của gian thờ.
Tại đây ông cùng với hai người giúp việc đã sáng tạo nên tượng thần Zeus, hình ảnh của pho tượng này bây giờ chỉ có thể được thấy trên các đồng tiền của Hy Lạp cổ đại. Thần Zeus được thể hiện trên các đồng tiền trong tư thế ngồi trên ngai có tay vịn và lưng tựa cao. Tay trái thần cầm vương trượng biểu tượng có gắn một con đại bàng – sứ giả thiêng liêng của thần Zeus. Trên bàn tay phải để mở của thần là nữ thần chiến thắng Níc trong tư thế đứng với đôi cánh bay, được coi là mẫu mực thiên thần trong truyền thống nghệ thuật của Kitô giáo.
Thần Zeus mang trên đầu một vòng nguyệt quế, đây cũng là vòng nguyệt quế tặng cho những người chiến thắng trong các đại hội Olympic. Chân của thần Zeus đặt trên một chiếc ghế đặc biệt do hai chú sư tử đỡ. Trên ghế có dòng chữ đề: “Phidias, con trai của Hacmit ở Athens, đã sáng tạo ra ta”.
Phidias đã sáng tạo tượng thần Zeus như thế nào?
Đầu tiên, Phidias làm khung tượng bằng kim loại, gỗ và thạch cao tai xưởng điêu khắc của mình – đó chính là cốt tượng thần Zeus sau này. Sau đó, các bộ phận ngoài của tượng như mặt, tay, bàn tay và bàn chân được phủ một lớp ngà voi đánh bóng rất chau chuốt. Như những người Hy Lạp thường nói, dường như thần Zeus đã sáng tạo ra loài voi chỉ cốt để có ngà voi làm tượng của mình. Theo các tính toán bằng cách đối chiếu với các tượng khác tương tự của Phidias thì đồ trang phục bằng vàng của thần Zeus ở Olympia đã cân nặng khoảng 200kg. Theo giá cả hiện nay thì chỉ tính giá trị vàng dùng để trang trí tượng không thôi cũng đa là 6 triệu đồng mác Đức. Đôi mắt thần Zeus có lẽ được làm bằng những viên ngọc to bằng nắm tay.
Toàn bộ chiều cao của tượng là mười hai mét, thân của nữ thần chiến thắng Nic ước cao bằng tầm vóc một người lớn. Tất nhiên, đưa được toàn bộ bức tượng lớn như thế từ xưởng điêu khắc đến đền thờ ở gần đó trong thực tế là không thể làm được. Bởi vậy, có lẽ Phidias đã tháo thân tượng làm sẵn ra thành nhiều bộ phận nhỏ rồi chuyển đến lắp ráp thành tượng thần Zeus uy nghi tại gian thờ.
Ở Hy Lạp thời đó, đã có không ít tượng và công trình kiến trúc mà về mặt giá trị nghệ thuật không thua kém gì tác phẩm này của Phidias. Vậy tại sao chính tượng thần Zeus ở Olympia lại được coi là kỳ quan thế giới, chứ không phải là tượng nữ thần chiến tranh và chiến thắng Aphinơ cũng của Phidias, hay tượng Acrôpôn?
Vì sao tượng của Phidias được lọt vào danh sách các kỳ quan thế giới?
Câu hỏi này có thể có hai lời giải đáp bổ sung cho nhau. Thứ nhất, Olympia như đã nói ở trên, là trung tâm thờ phụng thần Zeus quan trọng nhất ở Hy Lạp, và tượng thần Zeus do Phidias sáng tạo nên, không nghi ngờ gì nữa, đã trở thành hình tượng quy mô nhất và nổi tiếng nhất tiêu biểu cho vị thần tối cao của Hy Lạp. Tuy nhiên, cũng có một lời giải thích khác thuyết phục hơn, do các chuyên gia về bộ môn lịch sử văn hóa đưa ra là: Tượng của Phidias đã sáng tạo một hình tượng thần Zeus mới về nguyên tắc. Trước đó các thần Hy Lạp đều khác người đời ở chỗ quyền thế vô hạn và sự bất tử. Còn ở những điều khác thì các thần cũng giống người đời cả thôi: hằn thù và hám danh, thâm hiểm và tàn ác, và thậm chí thần Zeus đã không từ bất kỳ quỷ kế và sự xảo trá để giành được tình yêu và sự ham muốn phụ nữ.
Nhưng thần Zeus ở Olympia trông khác hẳn: Đó là một người già, lão luyện với nét mặt hiền từ, một vị thần gợi nên cho người ta không phải là sự khiếp sợ, mà là sự tin cậy, một con người cương nghị và đồng thời là một người cha yêu mến – tóm lại, đó là một vị thần mà 450 năm qua những người Kitô giáo đã rất mực ngưỡng mộ. Thật hoàn toàn dễ hiểu là một thần Zues như vậy đã có sức thu hút đặc biệt đối với người trần thế.
Các vận động viên thể thao coi thần Zeus là người bảo trợ cuộc thi đấu và thẩm phán trọng tài. Trước khi thi đấu họ đến bàn thờ Zeus, mang theo các đồ cúng, cầu mong chiến thắng và thề thi đấu trung thực. Sau đó lễ hội thể thao năm ngày được bắt đầu, những người trẻ, mình trần tham gia thi đấu các môn thể thao khác nhau vì thắng lợi Olympia.
Những người chiến thắng các cuộc thi đấu Olympic được đón mừng như thế nào?
Để làm phần thưởng cho những người chiến thắng, người ta chỉ tặng cho họ một cành ô liu. Chàng trai địa phương cắt cành lá ở cây ô liu do chính Hêracôn, con trai của Zeus, trồng theo tục truyền. Phần thưởng như thế chứng tỏ rằng đó không phải do người đời mà là do chính thần Zeus tặng chọ cành ô liu ấy.
Các môn thi đấu trong thực tế suốt 1100 năm không hề thay đổi. Điều mới duy nhất là khoảng giữa thế kỷ thứ IV trước CN, ngoài một cành ô liu ra, những người thắng cuộc còn được tặng thưởng một món tiền lớn. Thời kỳ ấy ở Hy Lạp đã bắt đầu phát triển rộng Kitô giáo. Sự sùng bái thần Zeus đã đi vào quá khứ. Năm 993 sau CN, hoàng đế Phêôđôxi I, người từng phê chuẩn sự phát triển Kitô giáo, đã bãi bỏ các cuộc thi đấu thể thao Olympic như một sùng bái đa thần giáo.
Trong toàn bộ quần thể Olympic đến nay chỉ còn nguyên vẹn khu nền của đền thờ và một vài tác phẩm điêu khắc. Về vị trí của bản thân tượng thần Zeus thì người ta chỉ có thể phỏng đoán. Có điều chắc chắn rằng vào thế kỷ II sau CN, tượng thần Zeus đã bị động đất làm hư hỏng nặng. Số phận sau đó của tượng như thế nào chúng ta không biết: theo giả thuyết khác thì quãng năm 475 sau CN, người ta đã di dời tượng đến Côngxtantinôpôn và đã bị mất trong một đám cháy. Và số phận của cả Phidias cũng không rõ như thế nào. Thế kỷ trước, người ta đã khai quật xưởng điêu khắc của ông, tại đây đã tìm thấy những công cụ lao động của nhà điêu khắc vĩ đại. Nhưng ông đã qua đời trong vinh quang và tôn kính, hay như một số người khẳng định, ông đã bị buộc tội biển thủ vàng và ngà voi và chấm dứt cuộc đời trong nhà tù ở Athens – điều đó chúng ta sẽ không bao giờ biết được.
7 Kỳ Quan Thế Giới Cổ Đại
source https://chongthamvietnam.vn/7-ky-quan-the-gioi-co-dai/
Nhận xét
Đăng nhận xét