Hà Nội: Rồng sẽ bay từ… đường Bưởi?

Views: 186

“Nhiều người có ý tưởng muốn Hà Nội đẹp hơn tức là họ muốn đóng góp cho thành phố, chứ không phải họ… xin dự án. Họ cần những nhà quản lý có tấm lòng chia sẻ, đánh giá đúng những đóng góp của họ, chứ không phải như sự “ban ơn”” – KTS Hoàng Thúc Hào trò chuyện.

Tự do tùy cảm nhận mỗi người

Ý tưởng “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành Thăng Long lịch sử” đến với anh như thế nào?

– Vợ chồng chị Hạ Chí Nhân đã tin cậy chia sẻ với chúng tôi ý tưởng chỉnh trang tuyến đường kinh thành Thăng Long. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi đề cập đến lễ kỷ niệm Thăng Long, đến quy hoạch Hà Nội, và tuy thủ đô đã mở rộng nhưng khu vực kinh thành Thăng Long xưa chắc chắn vẫn là hạt nhân trung tâm, là báu vật không thể thay thế…

Lâu nay chúng ta dồn sức vào khu di tích Hoàng thành, còn ranh giới kinh thành hầu như không đề cập. Câu chuyện thật hấp dẫn, nhưng vấn đề là chỉnh trang cái gì, ở đâu và giải pháp cụ thể ra sao?

KTS Hoàng Thúc Hào

Thú thực, ban đầu chúng tôi không hào hứng với chuyện chỉnh trang cửa ô lắm, vì đã nói mãi rồi, làm thì chưa đến đâu. Song vì tổng thể dự án, chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất những mô hình kiến trúc – điêu khắc nhỏ mang tính biểu tượng, có thể đặt tại đảo giao thông, vỉa hè, hoặc vườn hoa… nơi xưa kia cửa ô chạy qua.

Tất nhiên tuỳ từng khung cảnh đô thị, song để tìm ra một ngôn ngữ, một hình thái kiến trúc thỏa mãn thì kể cả tổ chức cuộc thi cũng chưa chắc đã “ăn”. Còn các đoạn tường kinh thành trăm năm trước hiện đã là những tuyến phố dày đặc nhà cửa, như Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Hoàng Hoa Thám, đê Yên Phụ…

Bẵng đi hơn tháng “tắc tịt”, một hôm chúng tôi khảo sát đến đường Bưởi và nhận thấy hình thái đoạn đường này gần giống tường thành, vì có chênh cốt từ đường Bưởi xuống sông Tô Lịch. Bề rộng khoảng thịt ven đường Bưởi từ 30 đến 70m, lại không xây dựng nhiều, chỉ là cây xanh, khoảng trống bãi giữ xe, nên có làm gì sẽ giải tỏa nhanh, phí đền bù ít. Ngoài ra đây là cung đường khá quan trọng, nếu từ sân bay Nội Bài về, trước khi vào trung tâm thành phố sẽ phải “húc” vào đó.

Đã tìm ra đoạn “kinh thành” đắc địa, nhưng làm gì thì chúng tôi băn khoăn cả tháng, giải pháp chỉ lóe gần đây: những tấm kè xiên xiên, lệch nhau từ 70 cm đến 1m50, dài 10 đến 20m, nhịp điệu lớn, trên nóc trồng hoa, buổi tối đèn trang trí hắt ra mà không sợ “chói sáng”. Vì đây là đường 1 chiều (từ Hoàng Quốc Việt đi Cầu Giấy), ánh sáng sẽ được thiết kế chiếu song song với chiều chuyển động.

Chúng tôi tạm hài lòng với ý tưởng ẩn dụ, đa nghĩa này. Cả đoạn đường có thể như con rồng, sự xếp xếp tựa vẩy rồng, hoặc nhìn từ bên kia sông thì lô xô như nhịp điệu mái phố, hay là dãy các nốt nhạc, và gì nữa…, tự do tuỳ theo cảm nhận mỗi người.

Gợi nhắc chứ không phục dựng tường thành cổ

 

Mô hình tuyến đường Thăng Long

Anh nói về nhịp điệu lớn, có phải bởi đối tượng anh hướng đến chủ yếu là người chuyển động trên ô tô – xe máy?

– Đây là kè đường giao thông, nên quan trọng là với tốc độ chuyển động 30 – 60km/h, thiết kế đó phải tạo ra chuỗi hình ảnh có thể đọng lại trên võng mạc của người quan sát. Ngoài ra thêm cây xanh, hoa, ánh sáng… làm tăng xúc cảm. Chúng tôi không chọn cách trang trí chi tiết, người chuyển động sẽ không thể quan sát, chưa kịp lưu hình ảnh này đã sang hình ảnh khác, gây cảm giác khó chịu và bực tức cho người tham gia giao thông.

Với người đi bộ, những “khe hở” giữa các tấm kè sẽ tạo ra bậc thang đi từ đường Bưởi xuống, dạo ven sông Tô Lịch (trớ trêu là dòng sông quá bẩn). Đồng thời tiết chế phù điêu xen kẽ, lõm vào kè 40- 50cm, có nội dung ghi dấu thành Thăng Long qua các thời kỳ Lý – Trần – Lê… sẽ khắc những con số liên quan tới sự kiện tiêu biểu. Chính đoạn kè đê Bưởi này là không gian chuyển tiếp mềm mại giữa hai đường trên – dưới, tạo thành thể thống nhất.

Trên tuyến đường dài chừng 2km đó, thỉnh thoảng gặp đường cắt ngang. Ở những chỗ giao cắt, chúng tôi dự kiến chuyển cách kè theo kiểu giật bậc xuống, hoặc có bậc phun nước, bậc trồng cây xanh, bậc để ngồi. Những quãng ngưng nghỉ như thế sẽ khiến hình thái đoạn đường đa dạng, hấp dẫn hơn.

Chọn đối tượng chỉnh trang là một đoạn của kinh thành Thăng Long, nhiều người sẽ nghĩ anh định “phỏng dựng” lại một đoạn tường của kinh thành cổ?

– Khi tôi trình bày ý tưởng này tại Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long, cũng có ý cho rằng đó là phục dựng tường thành. Nhưng tôi hoàn toàn không có ý định “đơn sơ” ấy. Vài trăm năm trước là tường thành, bây giờ là phố xá đông đúc, là đường giao thông. Chúng tôi chọn cách tiếp cận hiện đại, đây phải là một thiết kế đô thị của hôm nay nhưng có nội dung lịch sử văn hóa. Sự gợi nhớ quá khứ ấy phải nghệ thuật và đa nghĩa để người cảm thụ tự tưởng tượng.

Các anh sẽ làm, nhưng sau khi xong thì ai sẽ “giữ” đoạn đường ấy?

– Chúng tôi chọn những chất liệu đơn giản, gần gũi, rẻ, bền và dễ bảo dưỡng như đá ong, gạch vồ, đá tự nhiên. Trách nhiệm của chúng tôi, những nhà chuyên môn, là làm ra một đoạn đường đẹp, chuyện quản lý nó là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đương nhiên có trách nhiệm của từng công dân.

Ở tầm vĩ mô hơn thì tôi… chịu

“Có ý tưởng nào hay thì làm hết mình, chứ không chủ tâm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hay làm đẹp Hà Nội gì đâu…”

Ý tưởng của anh nếu được phê duyệt chắc chắn sẽ làm đẹp thêm cho bộ mặt thành phố Hà Nội… Đó có phải chủ đích của anh?

– Tôi không nghĩ “cao siêu” thế, với quỹ thời gian hiện tại tập trung tối đa cho công việc hàng ngày đã không đủ, tôi chỉ gắng duy trì ngọn lửa tìm kiếm, khát khao… Có ý tưởng nào hay thì làm hết mình, chứ không chủ tâm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hay làm đẹp Hà Nội gì đâu.

Chứ không phải anh đã từng có những ý tưởng rất ý nghĩa để làm đẹp cho Hà Nội, nhưng chưa được thực hiện sao?

– Bạn làm tôi phải tự “khoe” chút đấy. Đến giờ chúng tôi đã có 4 ý tưởng về Hà Nội: Quy hoạch bảo tồn phát triển làng gốm Bát Tràng, đồ án quảng trường Khoan dung – cải tạo khu vực nhà tù Hỏa Lò, năm ngoái là ý tưởng quy hoạch Hồ gươm và phụ cận, giờ là dự án chỉnh trang tuyến đường Kinh thành Thăng Long. Ngoại trừ ý tưởng đầu tiên gần với một công trình khoa học, 3 ý tưởng sau đều đơn giản, khả thi.

Không thể không liên tưởng đến những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ồ ạt, đang chạy nước rút. Anh có nghĩ nó sẽ để lại dấu ấn cho lịch sử phát triển của Hà Nội?

– Cá nhân tôi không hy vọng nhiều vào hiệu quả của những dự án ấy, nhất là ở khía cạnh thẩm mỹ cũng như khả năng đóng góp vào cảnh quan chung. Vì dường như nó vẫn thiên về cái gì cổ động, phong trào.

Ở góc độ KTS, tôi nghĩ giá như vào thời điểm 1000 năm Thăng Long, ta công bố được quy hoạch chung đúng tầm cho Hà Nội, hay quyết tâm chỉnh trang khu vực Hồ Gươm để thật sự là dấu ấn nổi bật, là trái tim của Hà Nội sẽ tuyệt biết bao. Đã có cuộc thi với nhiều ý tưởng hay, nếu tổng hợp lại, góp ý và chọn ra những ý tưởng tốt nhất để thực hiện thì sẽ là việc làm hợp lòng dân, hợp thời đại. Còn ở tầm vĩ mô hơn thì tôi… chịu.

Sợ nhất sự vô trách nhiệm, vô cảm

Anh đã nói với tư cách KTS, nghĩa là nếu Hà Nội có thể huy động được tâm huyết, năng lực của nhiều giới, của cộng đồng, thì Hà Nội đã không… “lọ lem” như bây giờ?

– Lãnh đạo và những người có trách nhiệm với Hà Nội đương nhiên hiểu rằng: nhiều người có ý tưởng muốn Hà Nội đẹp hơn tức là họ muốn đóng góp cho thành phố, chứ không phải họ… xin dự án. Họ trăn trở, day dứt, mất thời gian, công sức, tiền bạc để xây dựng và hoàn chỉnh ý tưởng, họ cần những nhà quản lý có tấm lòng chia sẻ, đánh giá đúng những đóng góp của họ, chứ không phải như sự “ban ơn”.

Chỉ khi lãnh đạo thành phố quyết tâm triển khai biến những ý tưởng đóng góp có giá trị thành hiện thực thì mới thực sự khuyến khích, động viên được những người khác tiếp tục tìm tòi, cống hiến. Như bây giờ, nhiều ý tưởng bị bỏ lửng, nhiều cuộc thi có kết quả rất tốt nhưng không được triển khai vào thực tế, nên những người tâm huyết ngày càng ít muốn tham gia.

Cụ thể với ý tưởng chỉnh trang tuyến đường Bưởi của anh, liệu việc triển khai có khả quan? Nhất là việc huy động nguồn vốn thì sao?

– Cuộc họp tại ban chỉ đạo 1000 năm, ý tưởng của chúng tôi được giới lịch sử, văn hóa, cũng như đại diện các sở Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa cơ bản nhất trí. Tôi biết thành phố có thể giao cho văn phòng kiến trúc của chúng tôi nghiên cứu lập dự án. Nhưng khoảng cách từ ý tưởng đến hiện thực vẫn xa vời lắm.

Riêng việc huy động nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào sự ủng hộ và phê duyệt của thành phố. Tôi tin tấm lòng với Hà Nội bao giờ cũng có, vấn đề là những tấm lòng đó có cơ hội bộc lộ không? Sợ nhất sự vô trách nhiệm, vô cảm. Để những tâm huyết, những tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội có cơ may hiện thực hoá, không thể thiếu tấm lòng của những người lãnh đạo.

Tác giả: Khánh Linh. Theo Tuanvietnam.net



Nguồn tham khảo từ Internet



source https://chongthamvietnam.vn/ha-noi-rong-se-bay-tu-duong-buoi.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các loại cây cau cảnh, đặc điểm cách trồng và kỹ thuật chăm sóc cau (2021) ❇️ Vozz ❇️

Những Bài Tập Thực Hành Vẽ AutoCAD 2D Cơ Bản

7 kỳ quan kiến trúc đáng chiêm ngưỡng nhất năm